Taxnet
CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ THÀNH THEO THÔNG TƯ 200
04 /12 2024

CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ THÀNH THEO THÔNG TƯ 200

CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ THÀNH THEO THÔNG TƯ 200

1. Kế toán giá thành là gì?

Kế toán giá thành là nhân sự đảm nhận việc xác định một cách đầy đủ và chính xác các loại chi phí, giá thành thực tế của sản phẩm, để từ đó làm cơ sở cho việc xác định giá bán hàng hóa phù hợp, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Kế toán giá thành luôn luôn có mối quan hệ chặt chẽ với kế toán chi phí.

Chi phí và giá thành luôn là 02 tiêu chí quan trọng được mọi doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Bởi chúng quyết định đến kết quả sản xuất và thu nhập của cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp. Do đó, vấn đề hạch toán chính xác, đúng đắn và kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được tình hình một cách nhanh chóng.

2. Các phương pháp tính giá thành theo thông tư 200

2.1. Phương pháp tính giá thành theo phương pháp giản đơn (phương pháp trực tiếp)

Phương pháp tính giá thành giản đơn thường được áp dụng với doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản với số lượng mặt hàng ít, sản xuất số lượng lớn, chu kỳ sản xuất ngắn. 

Công thức tính giá thành: 

Tổng giá thành sản xuất = Chi phí SXDD đầu kỳ + Chi phí SX trong kỳ – Chi phí SXDD cuối kỳ

2.2. Phương pháp định mức

Cách tính giá thành sản phẩm theo định mức áp dụng cho các doanh nghiệp có quy trình sản xuất ổn định, các doanh nghiệp đã xây dựng và quản lý được định mức từng khâu hình thành sản phẩm cũng như trình độ tổ chức vận hành, khả năng tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành qua khâu kế toán, thường xuyên kiểm tra điều chỉnh định mức phù hợp.

Công thức tính giá thành:

Giá thành thực tế sản phẩm = Giá thành định mức đơn vị sản phẩm từng loại x Tỷ lệ chi phí (%)

Trong đó: 

Tỷ lệ chi phí (%) = (Tổng giá thành sản xuất thực tế của các loại sản phẩm / Tổng giá thành sản xuất định mức của các loại sản phẩm) x 100

2.3. Tính giá thành theo phương pháp hệ số 

Phương pháp tính giá thành hệ số áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu cố định và lượng lao động cố định trong quá trình sản xuất nhưng thu được đồng thời nhiều sản phẩm khác nhau, chi phí được tập hợp chung cho cả quá trình sản xuất thay vì cho từng sản phẩm như may mặc, hóa chất, chế tạo, cơ khí, điện cơ, chăn nuôi… 

Công thức tính giá thành: 

Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn = Tổng giá thành của tất cả các sản phẩm / Tổng số sản phẩm gốc

Trong đó: 

Số sản phẩm tiêu chuẩn = Số sản phẩm của từng loại x Hệ số quy đổi từng loại.

Đối với hệ số quy đổi doanh nghiệp cần phải xác định riêng cho từng loại sản phẩm khác nhau trên một loại sản phẩm. Hệ số tiêu chuẩn quy ước là hệ số 1.

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = Số sản phẩm tiêu chuẩn x Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn.

2.4. Phương pháp tính giá thành sản phẩm theo đơn đặt hàng 

Phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng áp dụng cho doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn chiếc hoặc hàng loạt theo yêu cầu đặt hàng, giá thành sẽ được tính theo từng đơn một và việc tổ chức kế toán chi phí phải chi tiết theo từng đơn.

Công thức tính giá thành:

Giá thành của từng đơn hàng = Tổng chi phí NVL trực tiếp + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí SXC(*)

(*): Các chi phí này được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đơn đặt hàng.

2.5. Phương pháp phân bước

  • Phương pháp tính giá thành phân bước áp dụng cho các doanh nghiệp có quá trình sản xuất thực hiện ở nhiều bộ phận sản xuất có nhiều giai đoạn công nghệ, tập hợp chi phí theo từng bộ phận hoặc công đoạn chi tiết sản phẩm; 
  • Phương pháp này được áp dụng trong các doanh nghiệp có nhu cầu phần lớn về bán nửa thành phẩm ra ngoài hoặc có nhu cầu hạch toán quản lý nội bộ cao giữa các giai đoạn công nghệ (bộ phận, phân xưởng), doanh nghiệp phải xác định giá thành phẩm trước khi xác định giá thành sản phẩm.

Công thức tính: 

Giá thành thành phẩm hoàn thành trong kỳ = Giá thành sản phẩm giai đoạn 1 + Giá thành sản phẩm giai đoạn 2 +…+ Giá thành sản phẩm giai đoạn n 

2.6. Phương pháp loại trừ sản phẩm phụ

Phương pháp tính giá thành này áp dụng cho các doanh nghiệp mà trong cùng một quá trình sản xuất, ngoài các sản phẩm chính doanh nghiệp còn thu được sản phẩm phụ. Với trường hợp này doanh nghiệp cần phải loại trừ giá trị sản phẩm phụ ra khỏi tổng chi phí sản xuất sản phẩm để tính giá trị sản phẩm chính. 

Giá trị sản phẩm phụ có thể xác định dựa theo các phương pháp sau:

  • Có thể sử dụng được;
  • Giá ước tính;
  • Giá kế hoạch;
  • Giá nguyên liệu ban đầu

Công thức tính giá thành: 

Tổng giá thành SP chính = Giá trị SP chính dở dang đầu kỳ + Tổng chi phí phát sinh trong kỳ – Giá trị sản phẩm phụ ước tính thu hồi – Giá trị sản phẩm chính cuối kỳ

 

0 Bình luận
Viết bình luận của bạn

Giỏ hàng