Cách hạch toán tiền chậm nộp thuế TNDN, GTGT, TNCN
Cách hạch toán tiền chậm nộp thuế TNDN, GTGT, TNCN
Hạch toán tiền chậm nộp thuế là việc rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi việc nộp thuế chậm, sai sót sẽ dẫn đến tăng thuế phải nộp và doanh nghiệp phải đối mặt với khoản tiền phạt chậm nộp thuế. Để xử lý chính xác và hiệu quả, kế toán cần biết tiền chậm nộp thuế hạch toán vào tài khoản nào, cách tính toán và hạch toán tiền phạt chậm nộp thuế theo đúng quy định. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết về để giải quyết các vấn đề này.
1. Nguyên nhân dẫn đến bị phạt chậm nộp thuế
Các trường hợp phải hạch toán tiền chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật tại Điều 59 Luật quản lý Thuế 2019 bao gồm:
|
Trên đây là 3 trường hợp thường gặp nhất dẫn đến việc doanh nghiệp phải hạch toán tiền chậm nộp thuế. Một số trường hợp khác dẫn đến phải nộp tiền chậm nộp kế toán có thể tham khảo thêm tại Điều 59 của Luật quản lý thuế này.
Lưu ý: Bài viết đang đề cập đến khoản tiền phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế và số ngày mà doanh nghiệp chậm nộp. Kế toán cũng cần phân biệt rõ số tiền thuế truy thu (VD: Truy thu thuế GTGT, truy thu thuế TNDN,…) với tiền phạt chậm nộp tương ứng.
Kế toán không nhầm lẫn tiền chậm nộp thuế trong bài viết này với các khoản tiền phạt vi phạm hành chính về kê khai thuế: Như phạt chậm nộp tờ khai thuế GTGT, phạt chậm nộp tờ khai thuế TNCN, ….
2. Nguyên tắc hạch toán tiền chậm nộp thuế
Về nguyên tắc, tiền phạt nộp chậm thuế hạch toán vào tài khoản nào? Hạch toán tiền chậm nộp thuế vào Tài khoản 811. Kế toán cần phân biệt cách hạch toán tiền thuế bị truy và tiền chậm nộp thuế. Đây là 2 khoản tiền có cách hạch toán kế toán hoàn toàn khác nhau và kế toán cần phân biệt hết sức rõ ràng như sau:
- Với khoản tiền thuế bị truy thu: Kế toán phải xem xét đến tính trọng yếu để quyết định có điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 29 (VAS 29- Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót) của năm bị truy thu thuế hay không? Nếu trọng yếu, kế toán phải thực hiện điều chỉnh hồi tố lại BCTC của năm bị truy thu thuế theo VAS 29. Nếu không trọng yếu, thực hiện điều chỉnh phi hồi tố vào năm hiện hành.
- Với khoản tiền chậm nộp thuế: Kế toán hạch toán vào chi phí khác của năm nhận quyết định xử phạt, không xem xét đến tính trọng yếu như tiền thuế bị truy thu.
Ví dụ thực tiễn về nguyên tắc hạch toán tiền chậm nộp thuế
Đề bài: Ngày 11/04/2023, Công ty TNHH ABC nhận được quyết định xử phạt qua kiểm tra thuế tại đơn vị cho năm 2020 với số tiền truy thu thuế TNDN là: 500.000.000 đồng, tiền phạt chậm nộp là: 111.300.000 đồng.
Hạch toán theo nguyên tắc sau:
- Với khoản tiền thuế bị truy thu là 500.000.000 đồng, kế toán của ABC xem xét tính trọng yếu và quyết định số tiền truy thu thuế TNDN của năm 2020 là trọng yếu nên Công ty ABC đã điều chỉnh hồi tố lại BCTC của năm 2020 theo đúng VAS 29, tương ứng với số tiền truy thu thuế là: 500.000.000 đồng.
- Khoản tiền phạt chậm nộp thuế là 111.300.000 đồng, kế toán của ABC hạch toán vào năm 2023 (năm nhận quyết định xử phạt) trên tài khoản 811, không hạch toán khoản tiền phạt này vào năm 2020 (năm bị xử phạt truy thu thuế), , không cần xem xét đến tính trọng yếu.
3. Cách hạch toán tiền chậm nộp thuế
Như đã nói ở trên, khi hạch toán tiền chậm nộp thuế, kế toán cần phân biệt rõ
- Hạch toán tiền chậm nộp thuế
- Hạch toán tiền thuế bị truy thu thêm do chậm nộp thuế (tiền thuế nộp thiếu)
Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết, cụ thể các hạch toán với 3 trường hợp.
3.1 Hạch toán tiền chậm nộp thuế
Khi hạch toán tiền phạt chậm nộp thuế, xử lý như sau
Phản ánh số tiền phạt chậm nộp, ghi
Nợ TK 811: Trị giá tiền phạt khi nộp thuế chậm
Có TK 3339: Trị giá tiền phạt khi nộp thuế chậm
Khi nộp tiền vào Ngân sách nhà nước, ghi:
Nợ TK 3339: Trị giá tiền phạt khi nộp thuế chậm
Có các TK 111, 112: Trị giá tiền phạt khi nộp thuế chậm
Cuối kỳ, thực hiện bút toán kết chuyển tiền chậm nộp thuế:
Nợ TK 911: Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 811: Chi phí khác
3.2 Hạch toán điều chỉnh số thuế bị truy thu trên sổ sách kế toán
– Thuế GTGT truy thu thêm:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước.
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
– Thuế TNDN truy thu thêm:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước.
Có TK 3334 – Thuế TNDN phải nộp
– Thuế Thu nhập cá nhân truy thu thêm :
+ Trường hợp khấu trừ vào tiền lương của người lao động kỳ này
Nợ TK 334- Phải trả người lao động
Có TK 3335 – Thuế TNCN phải nộp
+ Trường hợp do công ty phải trả
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước.
Có TK 3335 – Thuế TNCN phải nộp
3.3 Hạch toán tiền thuế bị truy thu thêm (tiền thuế nộp thiếu) vào ngân sách nhà nước
Phản ánh Thuế TNDN phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Khi nộp tiền vào Ngân sách nhà nước, ghi:
Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có các TK 111, 112
Phản ánh Thuế GTGT phải nộp bổ sung, ghi:
Nợ TK 811 – Chi phí khác
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
Khi nộp tiền vào Ngân sách nhà nước, ghi:
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
Có các TK 111, 112
4. Ví dụ về hạch toán tiền chậm nộp thuế
Để hiểu rõ hơn về cách hạch toán tiền chậm nộp thuế theo đúng quy định, kế toán có thể xem xét ví dụ sau:
Ví dụ minh họa: Ngày 12/04/2024, Kế toán của Công ty Bình Minh nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Theo như quyết định xử phạt thì: Công ty Bình Minh bị truy thu TNDN số tiền là 20.000.000 đồng và Tiền phạt nộp chậm thuế tương ứng là 2.262.000 đồng. Công ty Bình Minh nộp các khoản này bằng tiền gửi ngân hàng vào ngày 13/07/2024.
Nguyên tắc hạch toán: Kế toán Công ty Bình Minh xác định rằng: Số tiền thuế TNDN bị truy thu là 20.000.000 đồng, không ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC của năm 2021. Do vậy: Kế toán không điều chỉnh hồi tố lại BCTC của năm 2021 và hạch toán vào sổ kế toán của năm 2024. Khoản tiền phạt chậm nộp thuế là: 2.262.000 đồng, kế toán không phải xem xét đến tính trọng yếu mà phải hạch toán vào sổ kế toán của năm nhận quyết định xử phạt (năm 2024).
Hạch toán chi tiết bao gồm hạch toán tiền thuế bị truy thu và hạch toán tiền chậm nộp thuế:
Hạch toán tiền thuế bị truy thu 20 triệu đồng vào sổ kế toán năm 2024, cụ thể:
Nợ TK 8211: 20.000.000 đồng
Có TK 3334: 20.000.000 đồng
Hạch toán khi nộp tiền thuế TNDN bị truy thu vào Ngân sách nhà nước:
Nợ TK 3334: 20.000.000 đồng
Có TK 112: 20.000.000 đồng
Hạch toán tiền phạt chậm nộp thuế 2.262.000 đồng vào sổ kế toán 2024:
Nợ TK 811: 2.262.000 đồng
Có TK 3339: 2.262.000 đồng
Hạch toán khi nộp tiền chậm nộp thuế TNDN vào Ngân sách nhà nước:
Nợ TK 3339: 2.262.000 đồng
Có TK 112: 2.262.000 đồng
Lưu ý: Tiền phạt chậm nộp thuế không phải là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:
Theo Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.36 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, tiền chậm nộp thuế là một khoản phạt về vi phạm hành chính, do đó sẽ không được coi là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp. Do đó, kế toán cần loại bỏ chi phí này để tính số thuế TNDN phải nộp chính xác.
Ngoài tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp BHXH cũng được hạch toán vào tài khoản chi phí khác và không được coi là chi phí tính thuế TNDN
Nguồn: amis.misa.vn