Doanh thu là gì? Điều kiện ghi nhận doanh thu
1. Doanh thu là gì?
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 14: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, điều 78: “Doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông”
Như vậy, hiểu theo chuẩn mực hay hiểu theo bất kỳ cách thức nào thì doanh thu hay tổng doanh thu của doanh nghiệp đều là phần lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp có được từ các hoạt động của mình, góp phần làm gia tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
2. Ý nghĩa của doanh thu
2.1. Thước đo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Doanh thu là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Nó thể hiện tổng giá trị tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Doanh thu cao cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và tạo ra được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng doanh thu mà không kết hợp với các thước đo khác có thể làm thiếu sót trong việc đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động kinh doanh. Các yếu tố khác cần xem xét bao gồm lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, khả năng thanh toán nợ, tăng trưởng doanh số, chi phí hoạt động.
2.2. Cơ sở để tính toán lợi nhuận
Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí, do đó, doanh thu là cơ sở để tính toán lợi nhuận. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng doanh thu cao không đồng nghĩa với lợi nhuận cao. Nếu doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng chi phí cũng cao thì lợi nhuận có thể thấp hoặc thậm chí là lỗ. Ngược lại, doanh nghiệp có doanh thu thấp nhưng chi phí thấp thì lợi nhuận có thể cao. Như vậy, doanh thu chỉ là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Để đánh giá chính xác hiệu quả kinh doanh, cần xem xét doanh thu cùng với các yếu tố khác như chi phí, giá vốn hàng bán, giá bán.
2.3. Nguồn vốn để doanh nghiệp tái sản xuất và phát triển
Doanh thu được sử dụng để thanh toán các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong kỳ, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay. Đồng thời, doanh thu tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và tích lũy vốn để tái sản xuất và phát triển. Doanh thu được sử dụng để mua sắm nguyên vật liệu, trang thiết bị, máy móc để sản xuất ra sản phẩm mới. Ngoài ra, doanh thu còn là nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giúp tăng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
3. Các loại doanh thu
3.1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là khoản doanh thu mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất hoặc do doanh nghiệp mua vào sau đó bán ra. Trong đó:
- Doanh thu bán hàng: là doanh thu bán sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra, bán hàng hóa mua vào và bán bất động sản đầu tư.
- Doanh thu cung cấp dịch vụ: là doanh thu thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một hay nhiều kỳ kế toán như cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, cho thuê tài sản cố định theo phương thức cho thuê hoạt động…
3.2. Doanh thu tài chính
Doanh thu tài chính là doanh thu thu được từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh về vốn. Chỉ số này của doanh nghiệp thực tế rất đa dạng, đến từ nhiều hoạt động tài chính khác nhau, bao gồm:
- Tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay, từ nguồn tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, không kỳ hạn, lãi bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp, lãi do đầu tư các loại trái phiếu, tín phiếu, lãi từ việc được hưởng chiết khấu thanh toán;
- Cổ tức lợi nhuận được chia;
- Thu nhập có được từ hoạt động đầu tư mua, bán chứng khoán ngắn, dài hạn;
- Thu nhập có được thu hồi hoặc thanh lý các khoản vốn góp liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư vào công ty con, đầu tư vốn khác;
- Thu nhập về các hoạt động đầu tư khác;
- Các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp.
3.3. Doanh thu nội bộ
Doanh thu nội bộ là khoản doanh thu đặc biệt, được tạo ra từ việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nội bộ doanh nghiệp, diễn ra giữa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một đơn vị doanh nghiệp tính theo giá nội bộ.
3.4. Thu nhập khác
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS số 14, thu nhập khác là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, bao gồm:
- Thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ;
- Thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng;
- Thu tiền bảo hiểm được bồi thường;
- Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí kỳ trước;
- Khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập;
- Thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại;
- Các khoản thu khác.
4. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu
Nguyên tắc 1: Doanh thu được ghi nhận khi quyền sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ được chuyển giao
Doanh thu được ghi nhận khi quyền sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ đã được chuyển giao từ người bán sang người mua. Điều này có nghĩa là khi khách hàng có quyền kiểm soát sản phẩm hoặc dịch vụ và chịu trách nhiệm về các rủi ro cũng như lợi ích liên quan đến nó, doanh thu có thể được ghi nhận. Đây là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo rằng doanh thu phản ánh đúng thời điểm thực sự mà giá trị được tạo ra và chuyển giao.
Nguyên tắc 2: Doanh thu được ghi nhận khi giá trị có thể xác định được một cách đáng tin cậy
Để ghi nhận doanh thu, giá trị của doanh thu phải có thể xác định được một cách đáng tin cậy. Điều này bao gồm việc xác định giá bán của sản phẩm hoặc dịch vụ mà không có sự mơ hồ hay không chắc chắn về số tiền sẽ nhận được. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng tất cả các điều kiện liên quan đến giá trị giao dịch đều rõ ràng và minh bạch trước khi ghi nhận doanh thu.
Nguyên tắc 3: Doanh thu được ghi nhận khi có khả năng thu hồi lợi ích kinh tế
Doanh thu chỉ được ghi nhận khi có khả năng thu hồi được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải tin tưởng rằng khách hàng sẽ thanh toán số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng thu hồi tiền, doanh nghiệp cần xem xét lại việc ghi nhận doanh thu để tránh ghi nhận những khoản thu nhập không thực tế.
Nguyên tắc 4: Doanh thu được ghi nhận khi chi phí liên quan đến giao dịch có thể được xác định
Doanh thu chỉ được ghi nhận khi các chi phí liên quan đến giao dịch có thể được xác định một cách đáng tin cậy. Điều này đảm bảo rằng doanh nghiệp không chỉ ghi nhận doanh thu mà còn phản ánh đúng chi phí phát sinh từ việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ. Các chi phí này bao gồm chi phí sản xuất, vận chuyển, và các chi phí khác liên quan đến việc thực hiện hợp đồng.
Nguyên tắc 5: Doanh thu từ dịch vụ được ghi nhận theo tiến độ hoàn thành dịch vụ
Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ, doanh thu được ghi nhận theo tiến độ hoàn thành dịch vụ. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp ghi nhận doanh thu dần dần khi các phần của dịch vụ được hoàn thành, thay vì ghi nhận toàn bộ doanh thu khi hoàn thành toàn bộ hợp đồng. Nguyên tắc này giúp phản ánh chính xác hơn công sức và giá trị mà doanh nghiệp đã cung cấp qua từng giai đoạn của hợp đồng dịch vụ.
5. Điều kện ghi nhận doanh thu
5.1 Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng
Căn cứ vào Điểm 10 VAS 14, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
- Đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa cho người mua;
- Không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
- Đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.
5.2 Điều kiện ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ
Căn cứ vào Điểm 16 VAS 14, doanh thu cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
- Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ;
- Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập bảng cân đối kế toán;
- Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.
Nguồn: Misa amis