Giá thành là gì? Phân loại giá thành sản phẩm
Giá thành là gì? Phân loại giá thành sản phẩm
1. Khái niệm giá thành
Giá thành sản phẩm được hiểu là tổng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, sẵn sàng bán ra thị trường. Giá thành bao gồm mọi chi phí liên quan đến sản xuất, từ nguyên vật liệu, nhân công đến các chi phí quản lý, hao phí, … nhưng không bao gồm lợi nhuận.
Nói cách khác, giá thành sản phẩm, dịch vụ là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra bất kể ở kỳ nào nhưng có liên quan đến khối lượng công việc, sản phẩm đã hoàn thành trong kỳ.
Tính giá thành sản phẩm chính xác là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đôi khi khá phức tạp đối với kế toán doanh nghiệp. Thay vì mất nhiều thời gian và công sức cho việc thu thập, phân bổ và tính toán thủ công, kế toán doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Giá thành sản xuất sản phẩm được cấu tạo bởi 3 khoản mục chi phí:
– Chi phí Nguyên vật liệu trực tiếp: Là chi phí nguyên vật liệu cấu tạo nên thành phẩm của doanh nghiệp.
– Chi phí nhân công trực tiếp: Là chi phí để trả tiền công cho những nhân công trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm.
– Chi phí sản xuất chung: Là chi phí chung liên quan đến việc tạo ra sản phẩm. (Ví dụ: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tiền điện nước, chi phí nhân viên quản lý bộ phận, phân xưởng…)
Như vậy, có thể thấy giá thành có bản chất là sự chuyển dịch các giá trị của yếu tố vật chất như nguyên vật liệu hay yếu tố phi vật chất như công sức lao động vào sản phẩm đã hoàn thành. Bởi vậy, khi nhắc đến giá thành là nhắc đến toàn bộ các khoản hao phí cần để cấu thành nên giá trị sản phẩm không phải toàn bộ các chi phí phát sinh trong kỳ kinh doanh.
Lưu ý: Để tính được giá thành, kế toán cần tập hợp chi phí sản xuất (xác định chi phí dở dang đầu kỳ, chi phí phát sinh trong kỳ, chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ ). Có một số khoản chi phí không được tính vào chi phí sản xuất để tính giá thành sản phẩm:
- Các khoản chi phí liên quan đến các sản phẩm hỏng. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay một số DN chỉ phân bổ toàn bộ chi phí sản xuất chung cho các thành phẩm hoàn thành đạt chất lượng và không phân bổ cho sản phẩm hỏng. Như vậy, giá thành sản phẩm hỏng sẽ không bao gồm các chi phí sản xuất chung, chính vì vậy, các thành phẩm đạt chất lượng sẽ phải gánh toàn bộ chi phí sản xuất chung cho các sản phẩm hỏng. Do đó, khi tỷ lệ sản phẩm bị lỗi, bị hỏng càng cao thì giá thành sản phẩm hoàn thành cũng càng cao.
- Chi phí nguyên vật liệu hao hụt ngoài định mức.
- Chi phí nhân công trực tiếp và sản xuất chung phát sinh khi công suất sản xuất dưới mức bình thường.
- Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
2. Phân biệt giá thành và chi phí sản xuất, mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành
- Giống nhau: chi phí và giá thành đều là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí về lao động vật sống và lao động vật hóa mà DN đã bỏ ra.
- Khác nhau:
+ Chi phí sản xuất: được giới hạn trong một kỳ kế toán nhất định, không phân biệt cho loại sản phẩm nào, đã hoàn thành hay chưa.
+ Giá thành: xác định một lượng chi phí nhất định, tính cho một lượng kết quả hoàn thành nhất định.
- Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm: Chi phí sản xuất là cơ sở để tính giá thành. Giá thành là thước đo chi phí sản xuất mà DN bỏ ra để có được một khối lượng/đơn vị sản phẩm, dịch vụ hoàn thành.
3. Phân loại giá thành sản phẩm
Căn cứ vào thời điểm và tài liệu tính toán: Giá thành sản phẩm được chia làm 3 loại:
- Giá thành kế hoạch: là loại giá thành được xây dựng trước khi bắt đầu sản xuất sản phẩm, dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật, và số liệu phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành của các kỳ trước.
- Giá thành thực tế: là loại giá thành được tính toán sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất, được xác định trên cơ sở chi phí thực tế đã chi ra để sản xuất sản phẩm.
- Giá thành định mức: là loại giá thành được tính toán dựa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật.
Cách phân loại này nhằm mục đích tạo cơ sở để phân tích, so sánh giữa giá thành thực tế và giá thành định mức/kế hoạch, qua đó rút ra những kết luận, những biện pháp cần thiết để quản lý cho phù hợp.
Căn cứ theo các giai đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh và phạm vi chi phí phát sinh: Giá thành sản phẩm được phân làm 2 loại.
- Giá thành sản xuất: Bao gồm những chi phí phát sinh cho việc sản xuất sản phẩm như:
+ Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
+ Chi phí nhân công trực tiếp
+ Chi phí sản xuất chung
Tùy vào yêu cầu quản lý, yêu cầu thông tin, giá thành sản xuất được chia thành:
+ Giá thành sản xuất toàn bộ (hay giá thành sản xuất đầy đủ)
+ Giá thành sản xuất theo biến phí
+ Giá thành sản xuất có phân bổ hợp lý định phí sản xuất
– Giá thành toàn bộ: Bao gồm toàn bộ chi phí phát sinh cho quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể như sau:
+ Giá thành sản xuất của toàn bộ sản phẩm tiêu thụ
+ Chi phí bán hàng: chi phí liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ
+ Chi phí quản lý DN
Tùy vào yêu cầu quản lý, yêu cầu thông tin, giá thành toàn bộ được chia thành:
+ Giá thành toàn bộ của sản phẩm tiêu thụ
+ Giá thành toàn bộ theo biến phí
Nguồn: amis.misa.vn