Hạch toán là gì? Phân loại hạch toán kế toán
I. Hạch toán là gì?
Hạch toán là một hệ thống điều tra bao gồm 4 quá trình sau đây: quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép với mục nhằm quản lý các hoạt động kinh tế một cách chặt chẽ hơn.
II. Phân loại hạch toán
Hiện có 3 loại hạch toán sau đây:
- Hạch toán nghiệp vụ: là sự quan sát, phản ánh và kiểm tra từng nghiệp vụ và quá trình kinh tế cụ thể, phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các quá trình và nghiệp vụ này.
- Hạch toán thống kê: là môn khoa học giúp con người nghiên cứu về mặt lượng của các hiện tượng kinh tế xã hội với số lượng lớn, trong điều kiện địa điểm và thời gian cụ thể. Mục đích của bộ môn này là rút ra bản chất, quy luật của các hiện tượng kinh tế, xã hội được nghiên cứu.
- Hạch toán kế toán: đây là loại hạch toán phổ biến và thường được dùng nhất trong cả 3 loại hạch toán. Hạch toán kế toán sẽ được phân tích một cách kỹ lưỡng dưới đây.
III. Hạch toán kế toán là gì? Thước đo của hạch toán kế toán
Hạch toán kế toán (hay gọi với tên quen thuộc là kế toán) là môn khoa học phản ánh các mặt của hoạt động kinh tế tài chính ở các đơn vị, tổ chức xã hội. Cụ thể, môn khoa học này giúp con người thu nhận, xử lý, cung cấp những thông tin về tài sản nhằm mục đích kiểm tra toàn bộ tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính của một đơn vị.
Hạch toán kế toán thường sử dụng 3 thước đó sau đây:
- Thước đo hiện vật: Sử dụng các phương thức như cân, đo, đong, đếm với các đơn vị là trọng lượng (g, tấn); độ dài (mét); diện tích (m2) để đo lường đối tượng.
- Thước đo lao động: Dùng để có thể xác định giá trị lao động hao mòn và năng suất lao động, từ đó làm căn cứ xác định giá trị lao động và tính lương thưởng. Thông thường, thước đo hiện vật và thước đo lao động hay được sử dụng với nhau.
- Thước đo giá trị: Sử dụng để tính toán được các chỉ tiêu về các loại vật tư, tài sản khác nhau với đơn vị là tiền tệ làm thước đo. Thước đo này giúp so sánh các chỉ tiêu kinh tế nhằm đánh giá hiệu quả kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn.
IV. Phân loại hạch toán kế toán
1. Phân loại dựa vào mức độ, tính chất thông tin
Có 2 loại hạch toán kế toán theo cách phân loại này như sau:
- Kế toán tổng hợp: Với loại hạch toán này, thông tin kế toán sẽ được ghi chép, thu nhập, cung cấp ở dạng tổng quát theo dựa theo những chỉ tiêu tổng hợp bằng thước đo tiền tệ.
- Kế toán chi tiết: Với loại hạch toán này, thông tin sẽ được thu nhận và cung cấp ở dạng chi tiết về một chỉ tiêu tổng hợp được kế toán tổng thực hiện. Những chỉ tiêu này có thể được đo bằng thước đo tiền tệ, lao động hoặc hiện vật.
2. Dựa vào cách thu nhận thông tin
Có 2 loại hạch toán kế toán theo cách phân loại này như sau:
- Kế toán đơn: Ở loại hạch toán kế toán này, các thông tin về nghiệp vụ kinh tế tài chính sẽ được ghi chép, thu nhận một cách riêng biệt, độc lập.
- Kế toán kép: Với hạch toán kế toán kép, những thông tin về các nghiệp vụ tài chính, kinh tế sẽ được ghi chép, thu nhận theo đúng nội dung, sự vận động biện chứng giữa những đối tượng kế toán.
3. Dựa vào phạm vi thông tin kế toán cung cấp
Có 2 loại hạch toán kế toán theo cách phân loại này như sau:
- Kế toán tài chính: Loại kế toán này có nhiệm vụ thu nhận, xử lý, cung cấp thông tin cho những đối tượng bên ngoài doanh nghiệp sử dụng và có thước đo tiền tệ.
- Kế toán quản trị: Loại kế toán này sẽ thu nhận, tổng hợp và cung cấp thông tin giá trị cho các nhà quản trị doanh nghiệp nhằm quản lý, nghiên cứu để đề ra các quyết định chiến lược trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cả 3 loại thước đo sẽ được sử dụng ở loại hạch toán kế toán này.
4. Dựa vào mục đích, đặc điểm của đơn vị kế toán
Có 2 loại hạch toán kế toán theo cách phân loại này như sau:
- Kế toán công: Các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận hoặc không có tính chất kinh doanh sẽ thường tiến hành loại hạch toán này.
- Kế toán doanh nghiệp: Các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục đích chính là lợi nhuận sẽ tiến hành loại hạch toán này.
Kết luận, hạch toán kế toán là một công cụ thiết yếu trong quản lý tài chính, giúp tổ chức duy trì sự chính xác và minh bạch trong các giao dịch tài chính. Việc áp dụng các phương pháp hạch toán phù hợp không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc ra quyết định và quản lý tài sản.