Taxnet
Những câu hỏi về thuế Thu nhập doanh nghiệp
05 /08 2024

Những câu hỏi về thuế Thu nhập doanh nghiệp

Khi điều hành một doanh nghiệp, việc hiểu rõ các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp là rất quan trọng. Từ các quy định thuế, cách tính thuế đến các ưu đãi và miễn giảm, những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.

Bài viết này cùng Taxnet.vn sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp về thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn và quản lý thuế hiệu quả hơn. Hãy cùng tìm hiểu để nắm vững những thông tin quan trọng và đảm bảo doanh nghiệp của bạn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

I. Câu hỏi

  1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
  2. Đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
  3. Những thu nhập nào phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
  4. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp là bao nhiêu?

II. Câu trả lời

Trả lời câu 1: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước dựa trên lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trả lời câu 2: Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm:

  • Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
  • Đn vị sự nghiệp công lập, ngoài ra có hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thu nhập chịu thuế trong mọi lĩnh vực.
  • Tổ chức thành lập và hoạt động dưới quy định của Luật hợp tác xã.
  • Doanh lập thành lập và hoạt động theo pháp luật của những quốc gia khác, hay còn gọi là doanh nghiệp nước ngoài, có cơ sở thường trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Cơ sở thường trú cũng là cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài, để doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

  • Tổ chức khác ngoài các tổ chức trên có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ, có thu nhập chịu thuế.

Trả lời câu 3: Để xác định được thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cần có những thông tin sau: (1) Doanh thu, (2) Chi phí được trừ và (3) Các khoản thu nhập khác, cụ thể:

Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

(1) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập khác thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

(2) Thu nhập khác.

Thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;

- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 218/2013/NĐ-CP;

- Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

- Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác;

- Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm:

+ Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn;

+ Thu nhập từ bán ngoại tệ;

+ Khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính;

+ Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính).

Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu;

- Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí;

- Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;

- Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ;

- Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra;

- Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật;

- Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được;

- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trả lời câu 4: Căn cứ Điều 10, Điều 13 và Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, mức thuế suất thuế TNDN là 20%.

0 Bình luận
Viết bình luận của bạn

Giỏ hàng