Taxnet
Thủ tục hủy hóa đơn điện tử đã phát hành
07 /10 2024

Thủ tục hủy hóa đơn điện tử đã phát hành

Trong quá trình phát hành hóa đơn, doanh nghiệp không thể tránh khỏi việc phát sinh các sai sót cần hủy bỏ. Vậy thủ tục hủy hóa đơn điện tử đã phát hành được quy định như thế nào? Cùng taxnet tìm hiểu nhé!

  1. Hủy hóa đơn điện tử là gì?

-Theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hủy hóa đơn điện tử là việc làm cho hóa đơn điện tử không có giá trị sử dụng.

-Doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt hủy hóa đơn điện tử với khái niệm tiêu hủy hóa đơn. Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, tiêu hủy hóa đơn điện tử là việc làm cho hóa đơn điện tử không còn tồn tại trên hệ thống thông tin của cơ quan thuế và không thể tham chiếu các thông tin trong hóa đơn đã bị tiêu hủy.

2. Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành:

Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành được quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Cụ thể:

a. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót.

b. Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước/trong khi cung cấp dịch vụ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020 sau đó phát sinh việc hủy/chấm dứt việc cung cấp dịch vụ.

3. Thủ tục hủy hóa đơn điện tử đã lập sai

Tùy từng trường hợp, thủ tục hủy hóa đơn điện tử lập sai sẽ được thực hiện khác nhau. Theo đó:

* Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán:

- Thông báo với cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót. Cơ quan thuế sẽ hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

- Lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

* Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy/chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán:

-Thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập.

- Thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo mẫu 04/SS-HĐĐT.

4. Cách xử lý đối với trường hợp hủy nhầm hóa đơn như thế nào?

- Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định hủy hóa đơn, chứng từ là làm cho hóa đơn, chứng từ đó không có giá trị sử dụng.

- Theo đó, khi không thuộc trường hợp phải hủy hóa đơn mà bên bán đã hủy nhầm hóa đơn thì xử lý theo từng trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Nếu phát hiện nhầm ngay sau khi hủy hóa đơn và chưa gửi Thông báo 04/SS-HĐĐT, thì bên bán có thể liên hệ ngay với nhà cung cấp phần mềm hóa đơn để được hỗ trợ khôi phục.

- Trường hợp 2: Nếu phát hiện nhầm khi đã gửi Thông báo 04/SS-HĐĐT, bên bán liên hệ ngay cơ quan thuế quản lý để đề nghị không chấp nhận việc hủy hóa đơn.

+Lý do: Theo khoản 4 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Trong thời hạn 01 ngày làm việc, cơ quan thuế thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý theo Mẫu số 01/TB-HĐSS Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định này. Hóa đơn điện tử đã hủy không có giá trị sử dụng nhưng vẫn được lưu trữ để phục vụ tra cứu.”

-Trường hợp 3: Nếu cơ quan thuế đã thông báo tiếp nhận việc hủy hóa đơn (theo Mẫu số 01/TB-HĐSS) thì hóa đơn đã hủy không có giá trị sử dụng nữa.

+Để xử lý trường hợp trên thì bên bán liên hệ với bên mua để lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, đồng thời lập hóa đơn điện tử mới có mã của cơ quan thuế và gửi người mua theo hướng dẫn tại Điều 21 Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Bên bán và bên mua hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin trên các hóa đơn đã hủy, hóa đơn lập mới.

+ Đồng thời, bên bán và bên mua căn cứ vào hóa đơn đã hủy thực hiện kê khai điều chỉnh bổ sung hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

0 Bình luận
Viết bình luận của bạn

Giỏ hàng