Vai trò của thuế giá trị gia tăng
VAI TRÒ CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
- Thuế GTGT là gì?
Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Thuế GTGT còn được gọi với một cái tên khác là thuế VAT (Value-Added Tax). Hiểu một cách đơn giản, đây là loại thuế được tính cộng vào giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ trong đơn hàng và do người tiêu dùng thanh toán, chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.
- Đặc điểm của thuế GTGT
- Là Thuế gián thu: Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ. Thuế GTGT còn được phát sinh đến khâu cuối cùng là tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế GTGT là thuế gián thu
- Có đối tượng chịu thuế lớn: Thuộc loại thuế tiêu dùng thông thường, đánh vào hầu hết các hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng.
- Thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp:Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn luân chuyển từ sản xuất tới lưu thông, tiêu dùng. Ở từng giai đoạn, thuế chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần GTGT đã tính thuế ở các giai đoạn luân chuyển trước.
- Vai trò của thuế GTGT
- Tăng nguồn thu cho nhà nước: Tạo ra một nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước bởi lý do thuế GTGT là một loại thuế gián thu được áp dụng phổ biến và rộng rãi đối với mọi cá nhân, tổ chức được cung ứng dịch vụ hoặc có tiêu dùng sản phẩm hàng hoá.
- Thúc đẩy chế độ hạch toán, kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng: Thúc đẩy việc mua bán hàng hoá có hoá đơn chứng từ đồng thời tăng cường công tác hạch toán kế toán. Việc tổ chức quản lý thu thuế GTGT sẽ trở nên dễ dàng hơn so với các loại thuế trực thu bởi thuế được tính trên giá bán hàng hoá hoặc dịch vụ nên không phải đi sâu cân nhắc, xem xét về tính hợp lý cuả các khoản chi phí.
- Khuyến khích xuất, nhập khẩu: Đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế bởi hàng xuất khẩu không những không phải nộp thuế VAT mà còn được khấu trừ hoặc hoàn lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào nên góp phần làm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
- Bảo hộ sản xuất kinh doanh trong nước: Có tác động tích cực trong việc bảo hộ sản xuất kinh doanh hàng nội địa bởi thuế giá trị gia tăng cùng với thuế nhập khẩu làm tăng giá vốn đối với hàng nhập khẩu.
- Khuyến khích chuyên môn hóa: Có tác dụng khuyến khích chuyên môn hoá, hiện đại hoá sản xuất; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị mới để hạ giá thành sản phẩm.
0 Bình luận
DANH MỤC