Taxnet
Xăng, dầu chịu những loại thuế, phí gì
15 /10 2024

Xăng, dầu chịu những loại thuế, phí gì

Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu với đời sống và là đầu vào của rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Hiện có khoảng 39 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phụ trách việc phân phối xăng dầu trên thị trường (theo Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 5 năm 2023 do Bộ Công thương ban hành ngày 01/06/2023). 

  1. Các loại thuế, phí có trong xăng dầu
  • Thuế GTGT
  • Thuế nhập khẩu
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt
  • Thuế bảo vệ môi trường
  • Chi phí kinh doanh định mức
  • Lợi nhuận định mức
  • Trích lập quỹ bình ổn giá
  1. Thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trong đó có mặt hàng xăng dầu. Mức thuế suất được áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán.

  1. Thuế nhập khẩu

Thuế xuất khẩu và nhập khẩu là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Theo đó, nguồn cung xăng dầu hiện nay tại Việt Nam bao gồm nguồn cung nội địa đến từ các nhà máy lọc hóa dầu và xăng dầu nhập khẩu. Như vậy, xăng dầu nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu 10% tính trên giá nhập tại cảng.

  1. Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, xăng các loại sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập tại cảng.

  1. Thuế bảo vệ môi trường

Theo Luật bảo vệ mội trường, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Theo luật, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut đều là đối tượng chịu thuế với mức thuế tuyệt đối như sau: xăng E5 RON92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít,…

  1. Chi phí kinh doanh định mức

Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn (bán sỉ), chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu; đã bao gồm chi phí phát sinh đặc thù của xăng E5, E10 như: chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10…) để tính giá cơ sở theo mức tối đa như sau: các loại xăng không chì là 1.050 đồng/lít; xăng E5, E10 là: 1.250 đồng/lít; dầu điêzen, dầu hỏa là: 950 đồng/lít;

  1. Lợi nhuận định mức

Lợi nhuận định mức là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít,kg ở nhiệt độ thực tế. Có thể hiểu mỗi lít xăng bán ra phải có lợi nhuận là 300 đồng.

  1. Mức trích lập quỹ bình ổn giá

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và chỉ được sử dụng để phục vụ mục tiêu ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút.

Như vậy, ta có thể thấy, tỷ lệ thuế phí trong một lít xăng ước tính chiếm dao động từ 35% – 40% giá xăng, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang hoạt động kinh doanh, sản xuất. Do vậy, các tổ chức, cá nhân cần phải tính toán thật kỹ để cân đối ngân sách của mình.

0 Bình luận
Viết bình luận của bạn

Giỏ hàng